Từ xa xưa, thị trấn Ninh Giang với vị trí thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, thị trấn Ninh Giang đã là trung tâm thương mại sầm uất của khu vực. Hiện nay, thị trấn Ninh Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Ninh Giang.
1. Về vị trí địa lý Thị trấn Ninh Giang nằm ở phía nam huyện Ninh Giang, cạnh ngã 3 sông Tranh, nơi tiếp giáp của 3 tỉnh: Hải Dương, Thái Bình và Thành phố Hải Phòng; phía đông - nam và nam là sông Luộc, bên kia là xã Thắng Thủy - huyện Vĩnh Bảo - Thành phố Hải Phòng và xã An Khê - huyện Quỳnh Phụ - tỉnh Thái Bình; phía tây giáp xã Hiệp Lực - huyện Ninh Giang; phía Bắc giáp xã Đồng Tâm - huyện Ninh Giang.
Thị trấn Ninh Giang có diện tích đất tự nhiên là 170,25 ha, chủ yếu là đất thổ cư, đường phố, các công trình cơ quan, đơn vị, còn đất để sản xuất nông nghiệp là 62,03 ha.
2. Lịch sử tên gọi và địa giới hành chính Theo sử liệu của các triều đại, phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp nên vùng đất màu mỡ châu thổ sông Hồng - trong đó có thị trấn Ninh Giang.
- Thời Đinh - Tiền Lê (968 - 1009), vùng đất thuộc Hồng Châu; thời Lý (1010 - 1025) là Hồng Lộ. Hồng Châu, Hồng Lộ là đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm các huyện: Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng (Hải Dương); Vĩnh Bảo (Hải Phòng); Mỹ Hào (Hưng Yên).
- Thời Lý - Trần (1226 - 1400) Hồng Lộ phân ra thành 2 miền: Thượng Hồng và Hạ Hồng. Ninh Giang thuộc miền Hạ Hồng. Thời kỳ này, huyện Ninh Giang và Vĩnh Bảo (Hải Phòng) còn là 1 huyện, gọi là Đồng Lợi, có lúc gọi là Đồng Lại. Thời Quang Thuận (thế kỷ XV) gọi là Vĩnh Lại.
- Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), nhà Lê gọi miền đất này là đạo Hạ Hồng. Đến thời Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất (1802) gọi là phủ Hạ Hồng.
- Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), triều đình nhà Nguyễn đổi tên thành phủ Ninh Giang. Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), lỵ sở chuyển về Tranh Xuyên Trang, tổng Bát Bế (đất thị trấn Ninh Giang ngày nay). Lỵ sở là 1 tòa thành hình vuông, đắp bằng đất, chu vi 171 trượng 6 thước (684m), cao 6 thước 2 tấc (2,42m), 4 mặt đào sâu và có 3 cổng ra vào.
- Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), phủ Ninh Giang còn 4 huyện: Gia Phúc, Vĩnh Lại (Ninh Giang), Tứ Kỳ và Vĩnh Bảo. Huyện Vĩnh Lại có 8 tổng, 88 xã.
Năm 1897, huyện Vĩnh Lại đổi tên thành huyện Ninh Giang gồm 8 tổng và 74 xã. Lỵ sở của huyện Ninh Giang vẫn ở Tranh Xuyên Trang.
- Với âm mưu đánh phá phong trào kháng chiến ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ngày 13/6/1951, thực dân Pháp thành lập tỉnh Vĩnh Ninh trong đó có huyện Ninh Giang. Lỵ sở huyện Ninh Giang trở thành thị xã, là lỵ sở của tỉnh Vĩnh Ninh, nơi đóng cơ quan đầu não của tỉnh và bộ chỉ huy quân Pháp.
- Cuối năm 1954, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa bỏ đơn vị hành chính tỉnh Vĩnh Ninh, huyện Ninh Giang, thị xã Ninh Giang (tổ chức như 1 huyện) thuộc về tỉnh Hải Dương. Đên tháng 9/1959, Chính phủ ra quyết định số 228 QĐ/CP điều chỉnh thị xã Ninh Giang thành thị trấn Ninh Giang thuộc huyện Ninh Giang - là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Ninh Giang. Tuy vậy, thị trấn Ninh Giang vẫn sử dụng con dấu của thị xã đến năm 1965 mới chính thức đổi thành thị trấn Ninh Giang.
Năm 1967, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương quyết định cắt xóm Đoàn Kết (xóm Hới) thuộc thôn Tranh Xuyên (xã Đồng Tâm) vào thị trấn Ninh Giang.
Tháng 4/1979, huyện Ninh Giang hợp nhất với huyện Thanh Miện thành huyện Ninh Thanh.
Thị trấn Ninh Giang cũ trực thuộc huyện Ninh Thanh tuy không còn là trung tâm nhưng vẫn phát triển và ổn định.
Tháng 4/1996, huyện Ninh Thanh tách thành 2 huyện Ninh Giang và huyện Thanh Miện, thị trấn Ninh Giang trở lại là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Ninh Giang và tồn tại, phát triển đến ngày nay.
3. Tình hình văn hóa - xã hội
Sau khi sáp nhập theo quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Hải Dương, thị trấn Ninh Giang gồm có 4 khu dân cư với 2.378 hộ và số dân là: 7.622 người, trong đó gần 90% số hộ làm dịch vụ, buôn bán và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, số còn lại làm nông nghiệp.
- Trên địa bàn thị trấn có 1 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học, 2 trường Trung học cơ sở và 2 trường Trung học phổ thông. Các trường: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở Thành Nhân đã đạt chuẩn quốc gia.
- Về cơ sở thờ tự, thị trấn Ninh Giang có: chùa Tân Hưng, đền Phủ Bà (khu 3), đền Cậu, chùa Am (khu 2), đền Công đồng (khu 4),...
- Thị trấn Ninh Giang có nghề thủ công và cũng là đặc sản của quê hương là bánh gai Ninh Giang, ra đời từ nhiều thế kỷ trước, với thành phần gồm: gạo nếp, lá gai, đậu xanh, hạt sen, mứt bí,..gói bằng lá chuối khô, thơm ngon. Một số hàng bánh gai nổi tiếng: Bà Tới, Ngọc Lan, Nhân Hưng, Minh Tân, Tuyết Trung,…
- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Ninh Giang được chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ". Qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, thị trấn Ninh Giang có 13 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 132 liệt sỹ và 98 thương, bệnh binh./.